00:50:00
0
(Theo tin tuc online) Tình trạng thừa cung toàn cầu tiếp tục tăng, đã khiến cho giá dầu thô Brent biển Bắc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm qua.

Hãng tin Bloomberg News, ngày 21/12 cho biết, giá dầu Brent giảm 71 xu Mỹ xuống 36,17 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe ở London (Anh), mức thấp nhất kể từ ngày 13/7/2004.


Giá dầu thô Brent giảm xuống 36,32 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng 21/12 tại châu Á, mức thấp nhất kể từ năm 2008.


Còn tại thị trường Singapore, giá dầu thô Brent giao tháng 2/2016 đã giảm 59 xu Mỹ xuống 36,29 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 1/2016 giảm 36 xu Mỹ xuống 34,37 USD/thùng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất, cuối tuần trước Quốc hội Mỹ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu tồn tại suốt 40 năm qua.
Ngoài ra, sản xuất dầu thô tại Mỹ đang tăng do số giàn khoan dầu của Mỹ trong tuần trước đã tăng thêm 17 giàn khoan lên tổng số 541 giàn khoan đang hoạt động, kết thúc bốn tuần giảm liên tiếp.

Ngân hàng ANZ cho rằng sự gia tăng số giàn khoan giữa lúc giá dầu thấp đã cho thấy các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ quyết tâm duy trì sản lượng, trong khi dự trữ dầu thô của nước này đã tăng lên 491 triệu thùng, mức cao nhất trong thời điểm này của năm kể từ năm 1930.

Trong khi đó nguồn cung dầu mỏ ra thị trường từ các nhà cung cấp khác vẫn không giảm. Tuần trước, OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng và Nga cũng có bước đi tương tự bất chấp giá dầu giảm hàng ngày.

Còn một nguyên nhân khác được các chuyên gia nêu ra. Đó là quyết định nâng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ hồi tuần trước. Điều này khiến lãi suất đồng USD cao gây áp lực sụt giảm lên giá dầu cũng như các loại tiền tệ khác.

Với việc giá dầu giảm, nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là Nga, bởi trong tỉ trọng xuất khẩu hiện nay của nước Nga, dầu thô chiếm khoảng 35%, xăng dầu đã được chế biến chiếm 17% và khí đốt chiếm 14%.

Do đó, nền kinh tế của nước Nga sẽ tiếp tục khủng hoảng nếu giá dầu vẫn giữ ở mức thấp và chính phủ sẽ có nhiều lựa chọn khó khăn hơn cho năm tới.

Bên cạnh đó, theo CNN, Nga, Venezuela, Nigeria và nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ khác đã hối lộ cho tổ chức dầu mỏ dẫn dầu bởi Arab Saudi nhằm giảm sản lượng và tăng giá thành nhưng thất bại.

Tương lai u ám

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp tháng 12/2015 tại thủ đô Vienna (Áo), OPEC quyết định chưa hành động để hỗ trợ giá dầu. Và như thế, thị trường dầu mỏ chưa có được sự hậu thuẫn về chính sách khai thác dầu thô từ OPEC để giảm bớt sự dư thừa nguồn cung.

Điều này dự báo sẽ làm gia tăng sức ép lên thị trường dầu mỏ trong năm 2016. Thêm vào đó, việc Mỹ bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất cùng với sự mạnh lên của đồng USD là yếu tố bất lợi cho dầu thô vốn được giao dịch bằng đồng bạc xanh.

Trong bối cảnh cung dự báo sẽ vượt cầu, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo dự trữ dầu sẽ tăng thêm khoảng 300 triệu thùng trong năm 2016, chưa kể số dầu trữ ngoài khơi hiện nay cũng là một mối lo ngại không nhỏ khi số dầu này cập cảng.

IEA cho là dầu thô sẽ không lúc nào lên tới 80 USD/thùng trước năm 2020, và sẽ chỉ đến gần 2040 mới có mức giá 85USD/thùng.

IEA cũng dự báo sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 600.000 thùng/ngày trong năm 2016, trong bối cảnh Mỹ giảm lượng khai thác dầu đá phiến. Dẫu rằng sản lượng của Mỹ giảm đáng kể, song chừng đó vẫn chưa đủ và thị trường dầu mỏ sẽ cần thời gian dài hơn nữa để có thể cân bằng trở lại.

Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ mạnh dự báo giá dầu và cảnh báo về thời kỳ dư cung kéo dài.

Theo Moody's, mức giá dầu Brent trung bình trong năm 2016 sẽ là 43 USD/thùng, dự báo trước đó là 53 USD/thùng. Mức giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trung bình trong năm 2016 sẽ ở mức 40 USD/thùng, thấp hơn 8 USD/thùng so với dự báo đưa ra lần gần nhất.

Tuy nhiên, Moody's cho rằng giá dầu Brent và WTI sẽ tăng khoảng 5 USD/thùng trong năm 2017 và 2018.
  • Những tin tức nóng hổi về bao an ninh, chính trị, xã hội Việt Nam
Ngân Giang (Tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét